Lượt xem: 736

Người giữ gìn nét đẹp ghe Ngo

Đua ghe Ngo vốn được xem là một môn thể thao truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Khmer miền Tây Nam bộ; trong đó, Sóc Trăng chính là cái nôi của loại hình văn hoá đặc sắc này. Nhắc đến Sóc Trăng thì không thể không nói đến ghe Ngo và ngược lại. Tuy nhiên, ít ai biết rằng để có được một chiếc ghe Ngo đẹp về hình dáng và màu sắc, thi đấu đạt thành tích cao thì những người thợ làm ra nó phải kỳ công, vất vả đến mức nào.

    Kỳ công tìm thợ giỏi

    Ghe Ngo gọi theo tiếng Khmer là Túk Ngo (túk là ghe, ngô là cong, vì ghe Ngo có hình cong như con rắn, sau này từ ngô đọc trại thành Ngo). Để tìm hiểu rõ hơn về nghệ thuật ghe Ngo và nghề đóng ghe Ngo, tôi đã tìm đến thăm gia đình chú Kim Crụp hiện cư ngụ tại ấp An Hoà, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, một trong số ít những người còn lại trong tỉnh có khả năng thiết kế và tham gia đóng ghe Ngo.


Chú Kim Crụp bên chiếc ghe Ngo của chùa Pôthi Thlâng xã Thới An Hội, huyện Kế Sách.

    Sinh ra và lớn lên trong xóm, ấp, ngay từ bé hình ảnh ngôi chùa, chiếc ghe Ngo, tiếng nhạc ngũ âm đã in đậm trong tâm hồn chú Kim Crụp. Nhìn các anh, các chú ngồi trên ghe Ngo lao vun vút về đích trong các hội đua mà lòng chú rạo rực, mong muốn có một ngày mình cũng sẽ được gia nhập vào đội đua ghe Ngo của chùa, để mang thành tích về cho xóm, ấp. Hình ảnh chiếc ghe Ngo đã ăn sâu vào trong máu thịt của chú. Chỉ tiếc là trong những năm tháng chiến tranh ác liệt trước sự phá hoại, cấm đoán của kẻ thù ước mơ của chú đã không thể trở thành hiện thực. Sau này khi đất nước đã hoà bình chú mới vinh dự được tuyển chọn tham gia vào đội đua ghe Ngo của chùa Pôthi Thlâng, xã Thới An Hội, một trong những ghe Ngo giàu thành tích nhất của huyện Kế Sách.

    Đầu năm 2000, khi đang công tác tại xã Thới An Hội với vai trò là Phó Chủ tịch xã, do điều kiện sức khoẻ sa sút, bởi căn bệnh tiểu đường hành hạ, chú Kim Crụp đã nghỉ hưu sớm để có nhiều thời gian chữa bệnh. Nghỉ công tác ở xã, chú lại tham gia vào công tác ở ấp, ở chùa. Vốn có tình yêu ghe Ngo từ nhỏ, nhận thấy hầu hết các ghe Ngo của địa phương đã cũ, không thể tiếp tục tranh đua, thi đấu với các chùa bạn trong các hội đua. Chú đã nghĩ ngay đến cách tìm thợ về nhà đóng ghe để giảm bớt chi phí. Đây là một suy nghĩ hết sức táo bạo, bởi thời gian đó phần lớn các chùa tại Đồng bằng sông Cửu Long khi có nhu cầu đóng ghe mới thì phải sang tận Gò Quao, Kiên Giang đặt đóng.

    Từ Sóc Trăng chú Kim Crụp đã lặn lội khăn gối đến xã Vĩnh Phước, huyện Gò Quao để tìm thợ giỏi mời về nhà đóng ghe. Sau nhiều lần thuyết phục, nhận thấy tấm lòng chân thành của chú, người thợ đóng ghe Ngo nổi tiếng của xã Vĩnh Phước là ông Huỳnh Rớt đã đồng ý theo chú về nhà.

    Tiếng lành đồn xa

    Thợ đóng ghe Ngo có nhiều điểm riêng biệt so với thợ mộc hay thợ đóng tàu. Bởi ngoài việc đóng ghe họ còn phải am hiểu về nghệ thuật đóng, cách phối trộn màu sắc, cách tạo ra nhiều loại dầm phù hợp (bởi trong đua ghe Ngo có nhiều loại dầm, tuỳ theo vị trí của người bơi)… Bên cạnh đó, việc chọn cây kềm giữa ghe cũng hết sức khó khăn. Một ghe Ngo đúng chuẩn phải dài 29m, giữa lòng ghe phải có 2 cây kềm chịu lực, 2 cây này thường được làm bằng cây tràm vì đây là loại cây có độ dẻo tốt. Hai cây kềm có tác dụng giúp cho ghe nhún nhảy, phóng nhanh và đồng thời cũng giúp giữ chặt cho ghe không bị gãy làm đôi bởi chiều dài của nó. Trong hai cây kềm thì cây kềm lái hay còn gọi là cây cần câu đóng vai trò quan trọng, vì nó còn có tác dụng kềm lái, giúp ghe Ngo đi đúng phương hướng. Một cây tràm được chọn làm cây kềm phải có tuổi thọ từ 40 năm trở lên. Sau khi đốn cây phải được để cho nguội trong nhà, một năm sau thì mới có thể sử dụng được tốt. Để có được một chiếc ghe Ngo, cả ba người thợ lành nghề phải làm việc cật lực đến hàng tháng trời mới hoàn tất.

    Gỗ đóng ghe Ngo là gỗ sao. Để có được cây sao tốt, chất lượng để đóng ghe, chú Kim Crụp phải đi nhiều nơi từ An Giang, Tiền Giang, thậm chí là sang tận nước bạn Campuchia để tìm mua gỗ sao về đóng. Tiếng lành đồn xa, nhiều chùa trong và ngoài tỉnh đã tìm đến để đặt chú đóng ghe. Đến giờ, chú cũng không nhớ là mình đã tham gia đóng ghe Ngo cho bao nhiêu chùa. Nhưng chiếc ghe giàu thành tích nhất mà chú từng đóng đó chính là chiếc ghe Ngo chùa Bốn Mặt của huyện Châu Thành. Trong mười lần tham dự hội đua trong và ngoài tỉnh đội ghe Ngo này đã chín lần vô địch. Ngoài ra, trong thời gian tham gia làm huấn luyện viên kiêm luôn người ngồi mũi cho đội ghe Ngo chùa Pôthi Thlâng trong thập niên 90 của thế kỷ trước, chú Kim Crụp cũng từng giúp đội ghe này lọt vào tốp 3 đội ghe mạnh nhất tỉnh. Thời gian này chú cũng từng được chọn tham gia vào đoàn vận động viên đua ghe Ngo của Việt Nam, mà nòng cốt là đội ghe chùa Pôthi Thlâng tham dự hội đua ghe Ngo quốc tế do nước bạn Thái Lan tổ chức, tại giải này, đội ghe của Việt Nam cũng lọt vào tốp những đội mạnh hàng đầu của giải.

    Ngoài việc tham gia Ban quản trị và đội ghe Ngo của chùa, chú Kim Crụp còn là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được công nhận trong nhiều năm. Đặc biệt, năm 1997 chú vinh dự được chọn đại diện cho tỉnh Sóc Trăng báo cáo điển hình tại Đại hội Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc. Với những đóng góp hết sức to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, thể dục thể thao của địa phương, chú Kim Crụp đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương và địa phương, đặc biệt là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

    Hiện tại, do cùng lúc phải đương đầu với nhiều căn bệnh nan y: Tiểu đường, thoát vị đĩa đệm mà việc đóng ghe Ngo của chú đã phải tạm dừng lại. Dù vậy, ngày từng ngày trôi qua, chú Kim Crụp vẫn luôn mang nhiều trăn trở là phải làm sao để ghe Ngo được sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng về cả tinh thần, lẫn vật chất, phải làm sao để có được một chiếc ghe Ngo hoàn hảo, vừa giữ gìn được nét đẹp văn hoá Khmer, vừa có thể lướt nhanh trên đường đua sông nước. Những suy nghĩ và hành động của chú Kim Crụp thật đáng trân trọng biết bao. Xã hội cần nhiều lắm những con người như vậy. Chính chú đã truyền cảm hứng, tình yêu ghe Ngo cho những thế hệ mai sau. Một người mà suốt cả cuộc đời chỉ có một ham muốn duy nhất là giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hoá Khmer - Nét đẹp ghe Ngo.

- Quách Tấn Thuần -



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 49
  • Hôm nay: 7967
  • Trong tuần: 78,674
  • Tất cả: 11,801,994